Chia sẻ

Xét nghiệm dị ứng có thực sự nói lên dị ứng?

By Victoria Healthcare 25 Tháng 4 2025

Xét nghiệm dị ứng có thực sự nói lên dị ứng?
Trong khoảng 2 năm gần đây, tôi gặp khá nhiều trường hợp bé đến khám trong tình trạng “được chẩn đoán là dị ứng đa thực phẩm”. Khi tìm hiểu kỹ thì mới biết, lý do các bé được đưa đi khám thường là vì những vấn đề như “nuôi mãi không lớn”, “nhỏ hơn các bạn cùng tuổi”, “hay ho, sổ mũi, khò khè” hay “da hay nổi mẩn” – và còn hàng tá mối lo khác khiến ba mẹ bất an.
Sau đó, khi đến một số cơ sở y tế, các bé được chỉ định làm xét nghiệm “dị ứng 222 dị nguyên”, và kết quả thường là... dương tính với phần lớn thực phẩm trong danh sách (có bé dương tính tới 80%), thậm chí có cả... gạo – nghe vừa ngỡ ngàng vừa buồn cười, phải không ạ?
Hệ quả là nhiều bé bị yêu cầu kiêng hoàn toàn những thực phẩm “dương tính” đó. Và rồi... chẳng còn gì để ăn! Ba mẹ thì rối bời không biết bé có thật sự dị ứng hay không. Lúc đó, họ tìm đến tôi để kiểm tra lại. Và thực tế là: hầu hết các bé đều không hề có biểu hiện dị ứng nào với các thực phẩm bị “kết tội” qua xét nghiệm.
Quan trọng hơn, chi phí cho xét nghiệm này cũng không hề rẻ – nhiều phụ huynh từng trải qua chắc chắn hiểu rõ. Vậy rốt cuộc, loại xét nghiệm này là gì? Liệu nó có thực sự giúp chẩn đoán dị ứng thực phẩm như mọi người vẫn nghĩ?
Thật ra, đây là xét nghiệm bất dung nạp 222 thực phẩm (IgG Food Panel), hoàn toàn khác với xét nghiệm chẩn đoán dị ứng thực phẩm. Tôi muốn giải thích rõ để ba mẹ hiểu đúng, từ đó tránh hiểu lầm và không phải lo lắng không đáng khi nhận kết quả toàn "màu đỏ" – tức là toàn dương tính.
💥 Xét nghiệm IgG thực phẩm là gì?
Xét nghiệm IgG thực phẩm đo lượng kháng thể IgG đối với các loại thức ăn trong máu. Một số quan điểm cho rằng kết quả này giúp xác định thực phẩm gây dị ứng hoặc các triệu chứng tiêu hóa. Nhưng thực tế thì sao?
Khi cơ thể tiếp xúc với thực phẩm, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể IgG – điều này cho thấy bé đã ăn loại thức ăn đó nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu sai rằng mức IgG cao đồng nghĩa với dị ứng hoặc không dung nạp. Điều này không chính xác, bởi dị ứng thực sự liên quan đến kháng thể IgE – không phải IgG.
Ví dụ, khi trẻ bị nhiễm siêu vi hoặc vừa tiêm ngừa, cơ thể cũng tạo ra kháng thể IgG. Nếu xét nghiệm thấy IgG dương tính, điều đó chỉ đơn giản là cơ thể từng tiếp xúc với vi sinh vật đó, chứ không có nghĩa là bị "dị ứng" với virus hay vaccine.
Không những thế, nhiều nghiên cứu còn cho thấy mức IgG cao có thể là dấu hiệu của sự dung nạp tốt đối với thực phẩm, chứ không phải là phản ứng xấu. Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Lâm sàng (JACI) từng công bố nghiên cứu cho thấy người có IgG cao với sữa hoặc trứng lại tiêu hóa các thực phẩm này tốt hơn.
💥 Các tổ chức y tế nói gì?
  • Hội Dị ứng và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI) và Hiệp hội Dị ứng Châu Âu (EAACI) đều không khuyến nghị sử dụng xét nghiệm IgG để chẩn đoán dị ứng hay không dung nạp thực phẩm.
  • Bộ Y tế Canada cũng cảnh báo rằng xét nghiệm IgG không đáng tin cậy và có thể khiến phụ huynh loại bỏ thực phẩm không cần thiết, gây mất cân bằng dinh dưỡng.
  • Đặc biệt ở trẻ nhỏ, việc loại bỏ quá nhiều thực phẩm như sữa, trứng, đậu nành... có thể khiến bé bị thiếu chất. Một số phụ huynh còn bị ám ảnh bởi kết quả xét nghiệm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng sống và thói quen ăn uống của cả gia đình.
💥 Vậy khi nào nên xét nghiệm dị ứng?
Nếu trẻ có triệu chứng nghi ngờ dị ứng (xuất hiện nhanh sau khi ăn như: nổi ban, ngứa, nôn ói, khó thở, sưng mặt/môi…), bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như:
  • Test lẫy da(Skin Prick Test) để đo phản ứng IgE
  • Xét nghiệm máu IgE đặc hiệu (Specific IgE test)
Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào xét nghiệm, mà phải kết hợp với triệu chứng thực tế và Test thử thách đường miệng – tức là cho bé ăn thử loại thực phẩm nghi ngờ và theo dõi biểu hiện để có chẩn đoán chính xác.
Kết luận: Xét nghiệm bất dung nạp thực phẩm (IgG) không phải là phương pháp đáng tin cậy để chẩn đoán dị ứng. Nếu nghi ngờ bé bị dị ứng hay gặp vấn đề tiêu hóa, phụ huynh nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đúng và an toàn nhất.
*Bài viết chuyên môn từ Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Trưởng khoa Nhi tại Phòng khám Victoria Healthcare