Chia sẻ

TẦM SOÁT SỚM UNG THƯ QUA XÉT NGHIỆM MÁU TÌM DẤU ẤN UNG THƯ

By Victoria Healthcare 10 Tháng 4 2019

TẦM SOÁT SỚM UNG THƯ QUA XÉT NGHIỆM MÁU TÌM DẤU ẤN UNG THƯ

Bài viết của BS. Nguyễn Vĩnh Tường, Giám đốc y khoa phòng khám Victoria Healthcare trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 18/11/2018.
---------------------------------------------------------------------------------------

Việc tầm soát và phát hiện ung thư sớm là mục tiêu của y học hiện đại, tuy nhiên cho tới nay không có một phương pháp nào hữu hiệu để tầm soát sớm tất cả các ung thư. Có thể tóm tắt một cách chung các phương pháp tầm soát ung thư như sau: 

✅Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu tìm các dấu ấn ung thư, trên cơ sở là ung thư tạo ra các protein đặc biệt, ví dụ ung thư gan là AFP, ung thư ruột già là CEA, ung thư tụy CA19-9, ung thư phổi CYFRA 21, ung thư buồng trứng là CA 125 ...

✅Xét nghiệm máu tìm gene gây ung thư: đây là một phương pháp rất mới vì cho rằng ung thư là do đột biến gene gây ra, ví dụ xét nghiệm máu tìm gene ung thư vú BRCA2, ung thư đại tràng APC gene ...

✅Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: chụp CT scan, MRI toàn thân, chụp PET CT trên dựa trên nguyên tắc các tế bào ung thư hấp thu nhiều glucose để chuyển hóa, người ta tiêm một chất đồng vị phóng xạ (positron) có gắng glucose hấp thu nhanh vào bệnh nhân. Sau khi được tiêm thuốc có phóng xạ, cơ thể sẽ phóng ra các tia gamma và máy PET/CT sẽ tính toán từ các tia gamma này để thu nhập hình ảnh từ các tế bào khác nhau của cơ thể. Nhờ đó, những bất thường về chuyển hóa tại các tế bào sẽ được ghi nhận, ngay trước khi có sự thay đổi về cấu trúc.

✅Tầm soát ung thư của từng cơ quan đích ví dụ: Ung thư đường ruột dạ dày, đại tràng làm nội soi dạ dày, đại tràng. Ung thư vú siêu âm ngực, chụp nhũ ảnh, MRI vú. Ung thư cổ tử cung làm PAP’Smear, soi cổ tử cung...

Rất nhiều bệnh nhân thắc mắc là có cần khám tầm soát nhiều loại bệnh ung thư với tất cả các phương pháp trên. Thông thường, dựa vào các xét nghiệm máu, và làm các tumor markers hay dấu ấn ung thư. Các dấu vết ung thư (tumor markers) mà các cơ sở y tế thường dùng là CEA, CA19-9, CA 125, CYFRA 21-1,AFP, PSA ... Các xét nghiệm máu này dễ làm, chi phí thấp và không mất nhiều thời gian.

?DẤU ẤN UNG THƯ

Dấu ấn ung thư Theo định nghĩa của Hiệp Hội Ung Thư Mỹ, tumor markers là một chất được tạo ra bởi tế bào ung thư hoặc tế bào bình thường trong cơ thể đáp ứng với trường hợp ung thư hoặc các trường hợp bình thường khác trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng được tạo ra cao hơn nhiều trong trường hợp ung thư.

Có nhiều dấu ấn ung thư khác nhau liên kết với một loại ung thư hoặc nhiều loại ung thư khác nhau, nhưng không có một dấu ấn ung thư nào đại diện cho tất cả các ung thư. Có nghĩa là không có một xét nghiệm máu nào cho biết trong cơ thể có ung thư hay không.

Có nhiều giới hạn trong việc đo dấu ấn ung thư trong tầm soát ung thư vì có nhiều trường hợp lành tính vẫn có thể có dấu ấn ung thư cao ví dụ CEA tăng trong viêm ruột, hút thuốc lá nhiều. AFP tăng trong viêm gan. PSA tăng trong viêm tiền liệt tuyến. 

Do đó không phải bệnh nhân nào có dấu ấn ung thư cao cũng là có ung thư. Hoặc ngược lại, dấu ấn ung thư có thể bình thường ở các trường hợp có ung thư thậm chí ung thư giai đoan muộn. AFP có thể âm tính ở 40% ung thư gan giai đoạn sớm, CEA cũng vậy âm tính hơn 60% ung thư đại tràng. CA125 với ung thư buồng trứng còn rắc rối hơn nhiều vì 50% ung thư buồng trứng có CA 125 tăng như vậy là 50% có thể không tăng và nhiều trường hợp hay gặp ở phụ nữ làm tăng CA 125 như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, hút thuốc lá.
Tóm lại, khi thử các dấu ấn ung thư thiếu sự tư vấn của BS có thể làm cho bệnh nhận hoang mang tưởng mình bị ung thư nhưng tìm không thấy sau khi tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian để tìm ung thư. Hoặc ngược lại tạo cảm giác tự tin cho bệnh nhân là không có bị ung thư nên không thực hiện các phương pháp tầm soát khác.

Theo lời khuyên của Hiệp Hội Ung Thư Mỹ các dấu ấn ung thư chỉ thực hiện để bổ sung thêm thông tin cho một bệnh lý nghi ngờ ung thư. Ví dụ: U buồng trứng cần phải khảo sát siêu âm qua âm đạo, CT vùng chậu có cản quang, đo CA 125 để đánh giá nguy cơ u nang này có nguy cơ ung thư hay không và các BS sẽ quyết định là theo dõi hoặc mổ. Hoặc, các dấu ấn ung thư dùng theo dõi bệnh nhân sau khi điều trị ung thư, tầm soát tái phát của ung thư, nếu ung thư này khi phát hiện có tăng dấu ấn ung thư. Ví dụ: ung thư đại tràng thường có tăng CEA và trong thời gian theo dõi bệnh nhân ung thư đại tràng BS hay đo CEA. Hoặc, trong ung thư gan đo AFP nếu trước điều trị có tăng AFP thì trong thời gian theo dõi nếu tăng AFP nên thận trọng ung thư có thể tái phát.

Không có một khuyến cáo nào của các hiệp hội ung thư cũng như các hiệp hội tiêu hóa, phụ khoa, hô hấp, đề nghị tầm soát ung thư ở người khỏe mạnh bằng cách đo định kỳ các dấu ấn ung thư và đo càng nhiều thì càng rắc rối vì kết quả cao thấp rất khó giải thích cho bệnh nhân yên tâm.

Có thể nói không có một phương pháp nào là tốt nhất cả, mỗi phương pháp đều có chỉ định riêng và có giới hạn của nó. Ví dụ: Chụp PET cũng sẽ dương tính giả trong các trường hợp viêm và chụp PET CT thì quá tốn kém không thể làm mỗi năm. Chụp PET CT cũng không khuyến cáo trong tầm soát chỉ dùng cho các trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc khảo sát di căn của ung thư.

Xét nghiệm gene tầm soát ung thư chỉ cần làm một lần trong đời tìm các đột biến gene di truyền gây ung thư. Tuy nhiên yếu tố gene di truyền chỉ chiếm 30% trong các nguyên nhân gây ung thư. Bệnh ung thư gây ra còn do sinh hoạt hàng ngày, tiếp xúc các chất gây ung thư, lối sống không lành mạnh, béo phì, hút thuốc lá, môi trường sống không trong sạch bụi phổi gây ung thư phổi. Tầm soát gene ung thư có giá trị khi trong gia đình có người bị ung thư (thế hệ 1: anh chị em, bố mẹ) và chi phí cũng khá cao cho một lần tầm soát vì phụ thuộc việc tìm nhiều gene hay chỉ một vài gene cho vài cơ quan. Ví dụ: gói tầm soát toàn bộ các gene di truyền chi phí sẽ khác tầm soát chỉ gene gây ung thư vú...

Cách tốt nhất tầm soát và ngăn ngừa ung thư vẫn là khám tổng quát hàng năm đúng, hợp lý với một BS gia đình. Đó là lý do tại sao các nước phát triển tập trung phát triển hệ thống BS gia đình. Ở Việt Nam, thời gian gần đây Bộ Y Tế rất khuyến khích phát triển BS gia đình. Khi khám định kỳ với BS gia đình, người có bệnh s ư ử, các thói quen sinh hoạt của bệnh nhân, từ lời khai bệnh và khám chi tiết BS sẽ xác định các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân và đề nghị bệnh nhân tầm soát ung thư theo đúng hướng dẫn của Hiệp Hội Ung Thư hoặc Tổ Chức Y Tế thế giới (WHO). Đồng thời BS gia đình cũng tư vấn bệnh nhân cách phòng ngừa ung thư như không hút thuốc là, tăng vận động giảm cân ngừa béo phì, thực hiện chế độ ăn lành mạnh v..v. Khi bệnh nhân có các triệu chứng khác thường nên khám tư vấn với BS Gia đình và từ đó tìm hiểu nguyên nhân có thể phát hiện sớm bệnh lý trong đó có bệnh ung thư.