Chia sẻ

NẮM RÕ VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ - GIÚP MẸ BẦU XÓA TAN NỖI LO

By Victoria Healthcare 13 Tháng 9 2023

NẮM RÕ VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ - GIÚP MẸ BẦU XÓA TAN NỖI LO

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một trong những bệnh lý y khoa phổ biến nhất khi mang thai. Việc theo dõi và điều trị không đúng cách bệnh lý này có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ và bé.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tỷ lệ ĐTĐTK năm 2021 tại Việt Nam tăng 21,8%, gấp khoảng 5 lần so với giai đoạn 2001 - 2004, tức là cứ 7 thai phụ  sẽ có 1 người mắc bệnh. 

Mặc dù kiến thức về ĐTĐTK đã được phổ biến nhiều hơn những năm gần đây tuy nhiên tỷ lệ thai phụ mắc ĐTĐTK bị bỏ sót cũng như được phát hiện muộn vẫn còn khá nhiều, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho mẹ bầu và thai nhi. 

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là gì?

ĐTĐTK là một thể của bệnh đái tháo đường, biểu hiện bằng tình trạng rối loạn dung nạp đường,phát hiện trong lúc mang thai

Nguy cơ dẫn đến bệnh ĐTĐTK

Những thai phụ có nguy cơ mắc ĐTĐTK gồm:

  • Thừa cân, béo phì.
  • Tiền sử gia đình có người từng bị đái tháo đường, đặc biệt  là bố, mẹ, anh chị em ruột.
  • Tiền sử sinh con nặng hơn 4kg.
  • Tiền sử rối loạn dung nạp glucose trước đây
  • Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng
  • Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật
  • Chủng tộc: Châu Á là nhóm có nguy cơ mắc ĐTĐTK cao

Dấu hiệu nào để nhận biết bạn đang mắc ĐTĐTK?

ĐTĐTK tiến triển thầm lặng, các dấu hiệu cũng hay bị nhầm lẫn với các biểu hiện của ốm nghén. Tuy nhiên dưới đây là các dấu hiệu cơ bản nhất mà các mẹ bầu nên lưu ý:

  • Dễ khát nước và đi tiểu nhiều lần: dấu hiệu này giống với triệu chứng của đái tháo đường của người không có thai. Mẹ bầu sẽ cảm thấy khát nước hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Thai phụ còn cảm thấy buồn tiểu thường xuyên và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn bình thường
  • Vết thương, vết bầm tím lâu lành: Khi mắc đái tháo đường, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm dẫn đến các vết thương khó lành hơn bình thường.
  • Giảm thị lực: Thị lực không được rõ như trước, nhìn mờ, nhòe không rõ. Tình trạng này không xảy ra thường xuyên, nếu có thì cũng chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn. 
  • Mệt mỏi kéo dài: đây là dấu hiệu cơ bản của bệnh và dễ bị nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi khi mang thai.

Những ảnh hưởng của ĐTĐTK tới sức khỏe của mẹ và bé

  1. Tới người mẹ: 
  • Tăng tỷ lệ cao huyết áp thai kỳ, tiền sản giật 
  • Tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, thai lưu.
  • Nguy cơ thai to và phải sinh mổ.
  • ĐTĐTK làm tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 sau khi sanh và nguy cơ mắc ĐTĐTK ở thai kỳ tiếp theo.
  • Thai phụ dễ mắc các biến chứng liên quan, đặc biệt là các biến chứng về tim mạch.
  • Thai phụ  ĐTĐTK có nguy cơ hơn xảy ra các biến chứng khác trong suốt quá trình mang thai cao hơn sản phụ khác.

      2. Tới thai nhi và trẻ sơ sinh:

Đối với thai

  • Giai đoạn 3 tháng đầu: thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên hoặc bị dị tật bẩm sinh. Các thay đổi này thường xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. 
  • Giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: xảy ra hiện tượng tăng insulin ở thai nhi, làm thai to, phát triển quá mức.

Đối với trẻ sơ sinh

  • Dễ mắc bệnh lý về đường hô hấp, hội chứng nguy kịch hô hấp.
  • Dị tật bẩm sinh hoặc tử vong sau khi sinh.
  • Vàng da sơ sinh.
  • Tăng nguy cơ bị béo phì, bị đái tháo đường tuýp 2 khi lớn.
  • Có nguy cơ bị rối loạn tâm thần - vận động.
  • Trẻ sinh ra từ người mẹ mắc ĐTĐTK có nguy cơ mắc đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường cao gấp 8 lần đứa trẻ bình thường, từ năm 19 đến 27 tuổi.

3 cách giúp thai phụ phòng ngừa ĐTĐTK hiệu quả 

Để phòng ngừa ĐTĐTK hiệu quả, người mẹ nên giữ lượng đường huyết trong mức ổn định bằng cách:

  1. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: sử dụng những thực phẩm có lợi cho cả mẹ và bé
  • Hạn chế tinh bột hấp thụ nhanh, các thực phẩm chứa chất béo bão hòa
  • Không cần ăn kiêng nhưng phải đảm bảo nguồn thực phẩm đa dạng đủ dinh dưỡng, chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cả mẹ và con.

       2. Tập luyện trước và trong khi mang thai: 

  • Trước khi mang thai: nếu thai phụ có tình trạng thừa cân, nên lên kế hoạch giảm cân để có thai kỳ khỏe mạnh hơn. 
  • Trong khi mang thai: mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có hình thức và thời gian luyện tập thích hợp.

      3. Khám sức khỏe định kỳ và theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên

Khi nào thai phụ cần đi tầm soát ĐTĐTK?

Đối với tất cả phụ nữ mang thai, đều cần đi tầm soát ĐTĐTK nếu chưa từng được chẩn đoán đái tháo đường trước đó. Thời điểm bệnh ĐTĐTK xuất hiện và là thời điểm tốt nhất để chẩn đoán là tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.

Đối với những mẹ bầu nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ cao đái tháo đường type 2,  cần kiểm tra đường huyết ngay  khi phát hiện có thai. 

ĐTĐTK ở giai đoạn đầu rất khó nhận biết được những triệu chứng. Bệnh chỉ được phát hiện khi có những xét nghiệm tầm soát chuyên sâu. Các chị em khi có ý định mang thai hoặc mới mang thai nên chủ động đi kiểm tra đường huyết để có những xử lý kịp thời nếu mắc bệnh.