Chia sẻ

PHÒNG NGỪA BỆNH TIM MẠCH - ĐỪNG CHỜ CON TIM LÊN TIẾNG

By Victoria Healthcare 21 Tháng 9 2023

PHÒNG NGỪA BỆNH TIM MẠCH - ĐỪNG CHỜ CON TIM LÊN TIẾNG

Tim mạch là bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa do những thói quen, lối sống có hại cho sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả ung thư. 

Theo báo cáo từ Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF), số ca tử vong do bệnh tim mạch đã tăng trên toàn cầu từ 12,1 triệu người vào năm 1990 lên 20,5 triệu người vào năm 2021, tức đã tăng 60% trong vòng 30 năm.Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người tử vong, trong đó cứ 3 ca tử vong thì có 1 ca do bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu của Viện Tim Mạch Việt Nam chỉ ra: Trung bình cứ 4 người trưởng thành thì sẽ có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim. Nghĩa là bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. 

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch 

Những dấu hiệu của bệnh thường gặp như:

1. Đau thắt ngực

  • Là một triệu chứng dễ nhận ra và xuất hiện ở nhiều bệnh lý về tim mạch.
  • Ban đầu, cơn đau thắt ngực thường khởi phát khi hoạt động gắng sức và có xu hướng thuyên giảm sau vài phút nghỉ ngơi. 
  • Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng, cơn đau có thể tới ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi.

2. Khó thở: cảm nhận rõ ngay cả khi đang nghỉ ngơi hoặc làm những việc thường ngày không gắng sức.

3. Nhịp tim không ổn định: cảm giác tim đập nhanh, mạnh, liên hồi trong lồng ngực.

4. Mệt mỏi, suy nhược: việc mệt mỏi không rõ nguyên nhân thường là do chức năng co bóp của tim bị suy giảm khiến các bộ phận trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết.

5. Hiện tượng sưng phù: ngủ dậy thấy mí mặt nặng, căng phù, bàn chân bị phù vào một thời điểm trong ngày hay cơ thể bị tích nước đều có thể là dấu hiệu của suy tim.

Bạn có thể phân biệt được những dấu hiệu của bệnh tim mạch với triệu chứng tương tự của bệnh lý khác không?

Mọi người thường nghĩ “buồn nôn, khó tiêu là cảnh báo bệnh về hệ tiêu hóa”, “chóng mặt, quay cuồng là do đứng lên quá nhanh”, “khó thở chỉ là vấn đề hô hấp”,... Thế nhưng tất cả những triệu chứng trên đều có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo cho bệnh tim mạch.

Những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên thường bị mọi người bỏ qua. Tuy nhiên, khi người bệnh có những vấn đề trên, đặc biệt là đau thắt ngực và khó thở, thì có thể bệnh đã xuất hiện và đang trở nặng.

Đối với những dấu hiệu thực sự sớm của bệnh tim mạch thì bản thân người bệnh rất khó hoặc chưa thể cảm nhận được. Và các yếu tố này chỉ phát hiện thông qua việc thăm khám, chẩn đoán bệnh từ bác sĩ, qua các buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc qua thực hiện tầm soát chuyên sâu.

Nhóm đối tượng nào nên đi tầm soát sớm các bệnh lý về tim mạch?

Có 2 nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao và nên có kế hoạch tầm soát sớm:

  1. Có tiền sử gia đình từng mắc bệnh
  • Trong gia đình có người bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ trước tuổi 55 đối với nam và 65 đối với nữ thì nguy cơ bị bệnh tim của bạn cao hơn những người khác.
  • Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch của thế hệ sau rơi vào khoảng 40-60%, thế nên việc tầm soát sớm để có hướng xử lý kịp thời là điều vô cùng cần thiết.

       2. Nhóm đối tượng người trẻ, ngoài 30 tuổi nhưng mang theo những yếu tố nguy cơ

Nhóm người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh về tim mạch nếu mang các yếu tố nguy cơ sau: 

  • Thừa cân, béo phì
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol trong máu cao
  • Lười vận động
  • Nghiện thuốc lá

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu thu thập được từ 12.924 người trưởng thành, độ tuổi từ 20-44, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2020. Khảo sát cho thấy số người mắc bệnh tiểu đường tăng từ 3% lên 4,1%, tỷ lệ béo phì tăng từ 32,7% lên 40,9%.

Những yếu tố này nếu không được quan tâm và xử lý sớm rất nhanh sẽ gây nên bệnh tim mạch và kèm theo nhiều hệ lụy về sau.

8 nguyên tắc giúp 80% bệnh tim mạch được phòng ngừa ở giai đoạn đầu

  1. Không hút thuốc lá

Nếu hút thuốc, nghĩa là bạn có gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim so với những người không hút thuốc

       2. Cải thiện mức cholesterol: 

Cân bằng mức cholesterol tốt và cholesterol xấu bằng cách hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ động vật, nội tạng,..., hạn chế đường tinh luyện và bổ sung nhiều chất xơ. 

      3. Kiểm soát huyết áp

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố gây nên bệnh tim mạch cao nhất hiện nay. Giảm lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày là một trong những cách đơn giản sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn

     4. Hãy vận động bất cứ khi nào có thể

Việc tập luyện một cách khoa học giúp tăng cường sức khỏe của trái tim, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, nếu không có chế độ tập luyện đều đặn, hãy vận động nhiều nhất có thể trong ngày. Bạn có thể đi thang bộ thay vì thang máy, dắt thú cưng đi dạo mỗi ngày, đứng lên đi lại sau 45 phút ngồi làm việc, dọn dẹp nhà cửa,...  

    5. Có một chế độ ăn lành mạnh cho tim:

  • Kiểm soát khẩu phần ăn, không ăn quá no.
  • Bổ sung vào chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt.
  • Hạn chế nạp vào cơ thể các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như thịt mỡ động vật, nội tạng, bơ, phô mai, dầu mỡ động vật,...
  • Giảm lượng muối vào cơ thể và uống đủ nước.

    6. Quản lý cân nặng thật tốt: không chỉ riêng tim mạch, béo phì còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như ung thư, đột quỵ,...

    7. Duy trì tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, áp lực: căng thẳng kéo dài dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe như: đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tăng huyết áp,...

    8. Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Theo bác sĩ thì 6 tháng đến 1 năm nên khám sức khỏe tổng quát một lần. Tuy nhiên nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ cao thì nên đi khám thường xuyên hơn, ít nhất 2 lần/năm. Thói quen này giúp phát hiện các nguy cơ tim mạch (như rối loạn nhịp tim, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp…), phát hiện sớm bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh… để có hướng điều trị kịp thời và ngăn ngừa đột quỵ.

(Hiệu chỉnh nội dung: Bác sĩ Trần Thanh Sơn)