Chia sẻ

PHÂN BIỆT ĐỘT QUỴ (TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO) VÀ NHỒI MÁU CƠ TIM

By Victoria Healthcare 21 Tháng 5 2022

PHÂN BIỆT ĐỘT QUỴ (TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO) VÀ NHỒI MÁU CƠ TIM

Cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều do thiếu lưu lượng máu đến các bộ phận quan trọng của cơ thể. Đột quỵ là do dòng máu lên não bị tắc nghẽn, trong khi nhồi máu cơ tim là do dòng máu đến tim bị tắc nghẽn. Các phương pháp điều trị sơ cứu cho mỗi trường hợp khẩn cấp sẽ khác nhau. 

Nếu bạn nghi ngờ ai đó đang lên cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, hãy gọi đường dây hotline Y tế để nhận trợ giúp y tế khẩn cấp ngay lập tức. Hiểu các triệu chứng của từng trường hợp có thể giúp bạn biết phải làm gì cho đến khi nhân viên y tế đến.

Hiểu đúng về đột quỵ để sơ cấp cứu người bệnh kịp thời

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ xảy ra khi dòng chảy của máu bị cản trở đến não. Sự gián đoạn lưu lượng máu này thường do tắc nghẽn hoặc mạch máu bị vỡ trong não. Cả hai trường hợp đều ngăn cản oxy nuôi mô não. Nếu điều này xảy ra, các tế bào não thiếu oxy bắt đầu chết nhanh chóng. Vì vậy, việc điều trị ngay lập tức là rất quan trọng để bệnh nhân có cơ hội hồi phục. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo rằng đột quỵ là nguyên nhân tử vong phổ biến thứ năm ở Hoa Kỳ, gây tử vong cho khoảng 140.000 người Mỹ mỗi năm. Cứ 20 trường hợp tử vong thì có một người do đột quỵ. Đó chỉ là một phần trong tổng số các trường hợp đột quỵ: 795.000 người Mỹ bị đột quỵ mỗi năm và gần 1/4 trong số này xảy ra ở những người đã từng bị đột quỵ trước đó.

Các triệu chứng của đột quỵ: 

  • Chóng mặt bất ngờ, mất thăng bằng khiến việc đi lại hoặc các hoạt động thể chất khác trở nên khó khăn.
  • Yếu hoặc tê ở chân tay hoặc mặt - thường chỉ ở một bên của cơ thể.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Mắt mờ bất thường ở 1 hoặc 2 mắt. 
  • Nói khó và giao tiếp kém. 

Thông thường mọi người khó nhận ra các triệu chứng này để kịp thời hỗ trợ đưa người bệnh đi bệnh viện. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng khái niệm FAST để ghi nhớ, xác định và ứng phó với cơn đột quỵ một cách nhanh chóng: Xệ mặt - Yếu cánh tay - Nói khó. Nếu bạn nhận thấy ai gặp phải một hay nhiều hơn các triệu chứng trên thì gọi ngay hotline y tế để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Nhưng trước đó cần giữ an toàn cho bệnh nhân không bị ngã, giám sát họ chặt chẽ trong khi chờ y tế. Nhớ ghi lại thời gian các triệu chứng xảy ra, càng chính xác càng tốt - thông tin này có thể hữu ích cho nhân viên y tế khi họ tiến hành cấp cứu.

Những thông tin cần biết về Nhồi Máu Cơ Tim

Một cơn nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn, làm tổn thương nghiêm trọng đến cơ tim. Hầu hết các cơn đau tim là do bệnh động mạch vành, một tình trạng xảy ra khi mảng bám tích tụ trong động mạch. Theo thời gian, các mảng bám này hạn chế sự lưu thông của máu, buộc tim phải làm việc nhiều hơn - và có thể dẫn đến cơ tim bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động.

Tương tự đối với các tế bào não trong cơn đột quỵ, khi cơ tim không nhận được oxy từ dòng máu, nó sẽ ngừng đập. Vì vậy, giúp máu lưu thông và cung cấp đủ oxy là rất quan trọng, để tránh những tổn thương nghiêm trọng cho cơ tim.

Theo CDC, khoảng 790.000 người Mỹ bị lên cơn nhồi máu cơ tim mỗi năm, và cứ 40 giây lại có một ca xuất hiện. Đáng báo động hơn nữa, 1/5 cơn đau tim được thoáng qua, có nghĩa là chính bản thân họ còn không biết rằng mình đã gặp cơn nhồi máu cơ tim ở tình trạng nhẹ. 

Các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim

Các triệu chứng đau tim có thể xảy ra đột ngột hoặc có thể diễn ra trong khoảng thời gian vài giờ (hoặc thậm chí vài ngày). Các triệu chứng phổ biến nhất của cơn đau tim bao gồm:

  • Đau hoặc tức ngực.
  • Đau không rõ nguyên nhân ở cánh tay hoặc vai.
  • Đau không rõ nguyên nhân ở lưng, cổ hoặc hàm.
  • Nói chuyện hụt hơi.
  • Cơ thể bỗng yếu, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Những cơn đau tim này cũng có thể kèm theo mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn mửa bất thường. Nghiên cứu cho thấy những triệu chứng này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Thông thường, những dấu hiệu này bị nhầm lẫn với các bệnh khác như đau ngực, ợ chua, hoặc thậm chí là một cơn đau túi mật.

Cần làm gì để sơ cấp cứu người lên cơn nhồi máu cơ tim?

Nếu bạn nghi ngờ ai đó có thể lên cơn nhồi máu cơ tim, hãy gọi ngay hotline của Y tế. Sau đó có thể thực hiện nhanh các thao tác y tế để hỗ trợ bệnh nhân. Nếu bệnh nhân ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc sử dụng máy rung tim nếu có sẵn máy. 

Nếu bệnh nhân còn thở và tỉnh táo, một số chuyên gia khuyến cáo nên dùng aspirin trong khi chờ trợ giúp y tế đến (trừ khi bệnh nhân bị dị ứng với aspirin hoặc được bác sĩ hướng dẫn tránh dùng aspirin).

Phòng ngừa là chìa khóa tốt nhất cho cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Khi một trong hai tình trạng trên xảy ra, việc phản ứng nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân là điều cần thiết; nhưng ngăn chặn để bệnh không xảy ra ngay từ đầu là điều tốt hơn. Trong hầu hết các trường hợp, cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều có thể phòng ngừa được. 2 tình trạng này có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau như: tình trạng căng thẳng, stress trong thời gian dài hoặc ngắn, hút thuốc, béo phì và lối sống ít vận động. Di truyền và các yếu tố “tiềm ẩn” khác cũng đóng một vai trò trong mức độ rủi ro của bạn.

Các cách tốt nhất để phòng ngừa và giảm nguy cơ bị đột quỵ hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim là thực hiện lối sống lành mạnh: tránh căng thẳng, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và tránh (hoặc giảm) hút thuốc, thức uống có cồn.

Bạn muốn tìm hiểu thêm về nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, hoặc từng trải qua tình trạng tương tự trong quá khứ và muốn giảm khả năng gặp phải cơn đau thứ hai thì nên tầm soát sức khỏe thường xuyên. Victoria Healthcare cung cấp chương trình chăm sóc sức khỏe, tầm soát nguy cơ đột quỵ - tim mạch.

Tham khảo gói khám và đăng ký thăm khám TẠI ĐÂY

-----

Ths. Bs. Trần Thị Hồng An
Chuyên khoa Nội tổng quát Hệ thống Victoria Healthcare

(Nguồn tham khảo: Hiệp hội tim Hoa Kỳ, Trung tâm y tế Tri-City)