Chia sẻ

GỠ RỐI THẮC MẮC CÙNG BÁC SĨ TRÍ ĐOÀN KỲ 1

By Victoria Healthcare 07 Tháng 3 2022

GỠ RỐI THẮC MẮC CÙNG BÁC SĨ TRÍ ĐOÀN KỲ 1

TRUYỀN THUYẾT SỐ 1: BÉ SƠ SINH VẶN MÌNH VÀ HAY GIẬT MÌNH LÀ THIẾU CANXI

 

Đây là một “truyền thuyết” không đúng. Vặn mình là một biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Khi mới sinh ra, não của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên trẻ chưa kiểm soát được tay chân và thân mình, khiến cho những bộ phận đó cử động “vô tổ chức” hay “không kiểm soát”. Vì thế, cha mẹ rất lo lắng không biết trẻ có khó chịu gì không? Và khi đưa trẻ đi khám định kỳ, phụ huynh thường được bác sĩ kê cho vài loại thuốc canxi hay vitamin D với chẩn đoán “thiếu canxi”. Những thuốc này là thừa với trẻ, ngoại trừ trường hợp bé bú mẹ hoàn toàn thì cần bổ sung vitamin D vì sữa mẹ không cung cấp đủ lượng vitamin D cho nhu cầu hằng ngày của trẻ. 

Chính vì não của trẻ phát triển dần dần theo hướng kiểm soát từ đầu đến chân nên đến khoảng 4 tháng tuổi, đa số trẻ sẽ kiểm soát được thân mình, thành ra trẻ có thể sẽ lẫy (lật) và hết vặn vẹo mình. Đôi khi hiện tượng vặn mình này còn được gán cho một số vấn đề khác như mọc lông ở lưng (hay dân gian còn gọi là mọc lông đẹn) chẳng hạn. 

Nói về sự phát triển não bộ của trẻ, chiều hướng phát triển của não ở mọi trẻ là tương đối giống nhau. Điều đó có nghĩa là về mặt vận động thì não trẻ sẽ phát triển dần dần (giống như trái cây chín dần) theo hướng kiểm soát từ trên đầu xuống dưới chân. Vì vậy, những kiểm soát đầu tiên của trẻ sẽ là kiểm soát cổ: trẻ sẽ nhấc đầu lên khi bế tư thế đứng, rồi đến kiểm soát lưng và thân mình: trẻ sẽ lẫy, rồi đên mông, đùi, chân: trẻ sẽ đạp, trườn, co chân lên để gặm ngón chân, ngồi, chống chân đứng lên… Đồng thời, những cử động tinh vi cũng sẽ được hoàn thiện hơn: trẻ sẽ cầm nắm được, với tay ra chụp vật trước mặt một cách chính xác, đưa ngón tay vào miệng mút một cách thiện nghệ, rồi khoảng 1 tuổi là có thể dùng ngón tay bốc nhặt những vật rất nhỏ như hạt đất, hay con kiến v.v….

Tuy nhiên, giống như những trái cây trên cành chín không đều nhau, không có trẻ nào phát triển giống trẻ nào. Do đó, có trẻ sẽ đạt được kỹ năng này sớm hơn trẻ khác, nhưng kỹ năng khác lại đạt được trễ hơn bé khác. Vì thế, việc trẻ biết ngồi hay đứng lên trễ hơn trẻ khác cũng không có nghĩa là trẻ đó bị thiếu canxi hay vitamin D. Điều quan trọng là bác sĩ sẽ phải hỏi kỹ từng giai đoạn phát triển và đánh giá sự phát triển não của trẻ một cách toàn diện chứ không hẳn dựa vào một triệu chứng đơn lẻ nào để “phán quyết” được.

 

Tham khảo thêm tại Fanpage bác sĩ Trí Đoàn:

https://www.facebook.com/BS.NguyenTriDoan