Chia sẻ

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CẦN TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ

By Victoria Healthcare 16 Tháng 5 2022

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CẦN TẦM SOÁT ĐỘT QUỴ

Thời gian vừa qua, toàn thế giới đều theo dõi tình hình diễn biến cũng như tìm hiểu kiến thức liên quan đến COVID-19. Đó là đại dịch toàn cầu, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà cả nền kinh tế. Tuy nhiên, chính vì vậy nhiều người ít dành sự quan tâm đến các bệnh lý khác cũng có ảnh hưởng không nhẹ đến sức khỏe và có thể trở nên trầm trọng hơn dưới ảnh hưởng của hậu Covid-19.

Khoảng thời gian giãn cách xã hội trong 2 năm qua làm gián đoạn việc tiếp cận y tế của những người có các bệnh lý mạn tính. Điều này còn tác động đến sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Những yếu tố này góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý khác, trong đó có đột quỵ.

Ai cần thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ?

Với định hướng “chăm sóc sức khỏe chủ động” trong Y học hiện đại và cảnh báo tình trạng trẻ hóa của các bệnh lý có thể gây ra đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo tất cả mọi người trên 20 tuổi đều nên tầm soát nguy cơ đột quỵ. 

Đối với các đối tượng được khuyến cáo nên chủ động tầm soát đột quỵ từ sớm và định kỳ là những người có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ cao hơn. 

Bằng cách tầm soát, đánh giá, lên kế hoạch kiểm soát và cải thiện các yếu tố nguy cơ, tỷ lệ đột quỵ có thể được giảm bớt đáng kể. Tầm soát và phòng ngừa đột quỵ nên được thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi bạn hoặc người thân nằm trong nhóm có nhiều yếu tố nguy cơ, từng bị một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đã từng bị đột quỵ trước đó. 

Những đối tượng được khuyến cáo chủ động tầm soát đột quỵ định kỳ

Nhóm người lớn tuổi là đối tượng cần được ưu tiên

Đối tượng đầu tiên cần tầm soát đột quỵ là người lớn tuổi (trên 50 tuổi), tuổi càng lớn, nguy cơ đột quỵ càng cao. Đặc biệt là những người có bệnh nền hoặc có các thói quen không tốt, lối sống kém lành mạnh như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, ít vận động… dễ có nguy cơ hơn. Ở người cao tuổi, dấu hiệu đột quỵ thường từ các cơn thiếu máu não thoáng qua, nhưng nhiều người không chú ý, dễ bỏ qua.

Người từ 20 tuổi trở lên 

Theo Bác sĩ Nguyễn Cảnh Nam - Khoa Nội thần kinh của Hệ thống phòng khám Victoria Healthcare chia sẻ: Bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do người trẻ gặp nhiều áp lực trong học tập, công việc lẫn cuộc sống, dễ dẫn đến bị căng thẳng làm huyết áp và nhịp tim tăng cao. Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt không điều độ, thức khuya, dùng chất kích thích, hút thuốc lá làm ảnh hưởng hệ tuần hoàn, tổn thương các mạch máu… khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo mọi người trên 20 tuổi nên tầm soát bệnh đột quỵ. 

Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ

Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ, người bệnh có thể tăng nguy cơ do nếp sống, thói quen, yếu tố di truyền. Khi đi tầm soát, bạn hãy chia sẻ với bác sĩ thông tin tiền sử của gia đình để có lời khuyên tốt nhất.

Những người có bệnh tim mạch 

Mối liên hệ giữa bệnh tim và đột quỵ là rất quan trọng. Một số bệnh lý về tim là yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Những người bị bệnh mạch vành, chứng đau thắt ngực hoặc từng bị nhồi máu cơ tim do xơ vữa động mạch có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp đôi. Vì thế, bệnh nhân cần kiểm tra chuyên sâu hơn khi thực hiện tầm soát đột quỵ.

Người bị bệnh tiểu đường 

Tiểu đường là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bệnh tiểu đường khiến đường tăng cao trong máu, gây tổn thương mạch máu và ngăn cản oxy, chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả não của bạn.

Người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.

Người có cholesterol cao

Cholesterol tăng cao gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu ở khắp cơ thể, bao gồm tim và não. Nếu chúng ta hấp thụ nhiều cholesterol hơn mức cơ thể có thể sử dụng, thì lượng cholesterol thừa có thể tích tụ trong các động mạch, bao gồm cả các động mạch của não. Điều này có thể dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, làm xơ cứng thành mạch máu và hẹp lòng mạch, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong mạch máu, gây giảm lưu lượng máu hoặc tắc mạch, dẫn đến đột quỵ. 

Người bị cao huyết áp

Cao huyết áp, nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ, làm tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ.

Người bị béo phì, thừa cân

Trọng lượng cơ thể dư thừa và béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Béo phì khiến các cholesterol “xấu” (LDL cholesterol) và chất béo trung tính tăng cao, làm giảm mức cholesterol “tốt” (HDL cholesterol). Kiểm soát cân nặng là một thách thức lớn cho những ai đang thừa cân, béo phì. Vì vậy hãy bắt đầu bằng cách thực hiện các phương pháp cải thiện và phòng ngừa từ hôm nay để kiểm soát cân nặng, giảm thiểu rủi ro nguy cơ đột quỵ. Việc kiểm soát này sẽ gặp khó khăn, hãy chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Người thường xuyên hút thuốc lá

Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc gây hại cho phổi, hút thuốc cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ vữa động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Nếu bạn ngừng hút thuốc hôm nay, trong vòng 2 - 5 năm, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ ngang với người chưa bao giờ hút thuốc.

(Nguồn tham khảo: Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ)

Bác sĩ Nguyễn Cảnh Nam

Khoa nội thần kinh Hệ thống phòng khám đa khoa Victoria Healthcare

—------

Thực hiện tầm soát đột quỵ để phòng ngừa bệnh lý ngay khi còn khỏe mạnh !

Việc tầm soát nguy cơ đột quỵ là rất cần thiết để có thể phát hiện sớm các yếu tố, nguy cơ giúp bạn có thể kịp thời điều chỉnh lối sống phù hợp và bác sĩ sẽ có những lời khuyên cũng như phác đồ điều trị bệnh kịp thời nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tránh các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra.

👉 Hệ thống phòng khám Victoria Healthcare cung cấp gói khám “TẦM SOÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ - TIM MẠCH”

🎁 Tham khảo gói khám và đặt lịch TẠI ĐÂY