Chia sẻ

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT MỘT CƠN ĐỘT QUỴ VÀ CÁCH SƠ CẤP CỨU

By Victoria Healthcare 25 Tháng 5 2022

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT MỘT CƠN ĐỘT QUỴ VÀ CÁCH SƠ CẤP CỨU

Trong một cơn đột quỵ, mỗi phút đều có giá trị! “Khung giờ vàng” là thuật ngữ dùng để chỉ khoảng thời gian quý để cứu người bị đột quỵ khỏi nguy kịch, giúp cho việc hồi phục sau này tốt hơn. Nếu bệnh nhân được hỗ trợ y tế trong khung giờ vàng, bệnh nhân có thể sống sót sau các biến chứng của đột quỵ. 

Việc nhận biết dấu hiệu và điều trị nhanh chóng có thể làm giảm tổn thương não mà đột quỵ có thể gây ra. Bạn có thể hành động nhanh chóng và cứu được một mạng người — thậm chí có thể là của chính bạn.

F.A.S.T - 4 dấu hiệu chính để cảnh báo một cơn đột quỵ có thể ghi nhớ nhanh:

  1. F: FACE - khuôn mặt nghiêng 1 bên, miệng méo, hàm không cử động được, không thể cười.
  2. A: ARMS -  Tay tê và yếu dần, người bệnh khó hoặc không thể cử động nhấc tay hay chân lên được.
  3. S: SPEECH - nói khó, phát âm không rõ chữ, thậm chí không cử động hay nói được dù đầu óc họ vẫn còn tỉnh táo 
  4. T: Time: Can thiệp cấp cứu càng nhanh càng tốt, khi đó khả năng cứu sống người bị đột quỵ càng cao. Bạn có thể gọi ngay số điện thoại cấp cứu ngay khi nhận ra nhanh các dấu hiệu đột quỵ.

Đối với đột quỵ, “khung giờ vàng” là 4 tiếng rưỡi ngay sau khi gặp các triệu chứng của đột quỵ. Vì vậy, việc nhanh chóng đưa họ đến bệnh viện là cần thiết. Chúng ta không nên áp dụng và điều trị với bất kỳ phương pháp nào tại nhà. Sau khi gọi cấp cứu, và chờ sự can thiệp từ y tế, hãy tiến hành các bước sơ cấp cứu ngay.

Những điều nên làm sau khi gặp người có các triệu chứng đột quỵ

Đầu tiên, cần xác định những triệu chứng xuất hiện với bệnh nhân là dấu hiệu cơn đột quỵ. Sau khi nhận biết họ bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu và thực hiện các thao tác sơ cứu. Song song với việc gọi cho y tế, bạn cần kêu gọi những người xung quanh hỗ trợ bạn sơ cứu người bệnh.

  • Lưu ý khi gọi cho y tế, bạn cần cung cấp rõ thông tin địa điểm và nhấn mạnh cho họ biết bệnh nhân đang gặp các triệu chứng của đột quỵ. 
  • Cần giữ bình tĩnh để ghi nhớ và cung cấp cho nhân viên Y tế thông tin về tình trạng của người bệnh càng nhiều càng tốt, đặc biệt là thời gian và triệu chứng xuất hiện đột quỵ.
  • Đảm bảo khu vực xung quanh được an toàn và không có nguy hiểm cho người gặp đột quỵ. 
  • Điều cần thiết nhất là không để bệnh nhân bị ngã hay va đập mạnh có thể dẫn đến chấn thương sọ não. Vì thế mà thường bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ thì cần cho bệnh nhân nằm trên mặt phẳng và cứng. 
  • Lưu ý ghi lại các triệu chứng hay bất kỳ sự thay đổi nào về tình trạng người bệnh trong khi chờ nhân viên Y tế đến.

Nếu người bệnh có ý thức:

  • Nhẹ nhàng đặt họ ở một vị trí thoải mái. Tốt nhất, nên đặt họ nằm nghiêng, đầu và vai hơi cao, nếu được có thể cho họ nằm bằng gối hoặc quần áo. Cố gắng không di chuyển người bệnh.
  • Có thể cởi cúc cổ áo sơ mi hoặc khăn quàng cổ nếu có, để người bệnh có không gian thông thoáng. Nếu họ bị lạnh, hãy dùng chăn hoặc áo khoác để giữ ấm.
  • Kiểm tra xem đường thở của họ có thông thoáng không, nếu có dị vật hoặc chất nhầy trong miệng có thể cản trở việc thở, hãy đặt người bệnh nằm nghiêng.
  • Trò chuyện cùng người bệnh. Hỏi họ tên người bệnh và các câu hỏi khác liên quan đến tình trạng sức khỏe của họ. Nếu người bệnh không thể nói, hãy để họ siết chặt tay bạn để trả lời câu hỏi.
  • Không cho họ ăn bất cứ thức ăn hoặc chất lỏng nào, cũng như không cho họ uống một loại thuốc nào. 

Nếu người bệnh bất tỉnh

  • Đặt người bệnh ở vị trí thoải mái.
  • Theo dõi nhịp thở của họ. Để làm điều này hãy nâng cằm của họ và hơi nghiêng đầu về phía sau, quan sát xem ngực họ có cử động không, lắng nghe âm thanh thở.
  • Nếu không có dấu hiệu thở, hãy bắt đầu hô hấp nhân tạo (hồi sức tim phổi).
  • Trong quá trình sơ cứu, nên tránh các điều này nếu không vô tình chúng ta làm ảnh hưởng và có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân đột quỵ như: không cạo gió, không áp dụng mẹo dân gian vắt chanh, bấm huyệt, chích các ngón tay…, không nên tự ý vận chuyển bệnh nhân bằng xe máy. 

Trên đây là những thông tin cơ bản trong quá trình sơ cứu cho bệnh nhân gặp đột quỵ. Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ, nếu người thân hay người xung quanh có dấu hiệu của bệnh đột quỵ, cần liên hệ ngay với hotline y tế, các bệnh viện và cơ sở y tế để được hỗ trợ và hướng dẫn một cách tốt nhất. 

-----

Thực hiện tầm soát đột quỵ để phòng ngừa bệnh lý ngay khi còn khỏe mạnh !

Việc tầm soát nguy cơ đột quỵ là rất cần thiết để có thể phát hiện sớm các yếu tố, nguy cơ giúp bạn có thể kịp thời điều chỉnh lối sống phù hợp và bác sĩ sẽ có những lời khuyên cũng như phác đồ điều trị bệnh kịp thời nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tránh các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra.

👉 Hệ thống phòng khám Victoria Healthcare cung cấp gói khám “TẦM SOÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ - TIM MẠCH”

🎁 Tham khảo gói khám và đặt lịch TẠI ĐÂY

Ths. Bs. Trần Thị Hồng An
Chuyên khoa Nội tổng quát Hệ thống Victoria Healthcare

(Nguồn: Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC, Trang tin tức Y tế Hoa Kỳ, Bệnh viện Đại học Pennsylvania - Hoa Kỳ )