Chia sẻ

7 NỖI LO - 7 GIẢI PHÁP - BÍ KÍP GIÚP MẸ BẦU CÓ MỘT THAI KỲ KHỎE MẠNH

By Victoria Healthcare 24 Tháng 9 2023

7 NỖI LO - 7 GIẢI PHÁP - BÍ KÍP GIÚP MẸ BẦU CÓ MỘT THAI KỲ KHỎE MẠNH

9 tháng 10 ngày mang thai có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng đầy thử thách đối với  người phụ nữ. Mẹ bầu sẽ liên tục gặp những thay đổi về tâm sinh lý là điều không thể tránh khỏi. Dưới đây là 7 vấn đề mẹ bầu thường gặp trong thời gian mang thai và cách vượt qua  để có một thai kỳ khỏe mạnh.

1. Ốm nghén

Đây là tình trạng xảy ra ở 80% phụ nữ khi mang thai. Ốm nghén biểu hiện nhiều nhất qua việc nôn và buồn nôn, tùy cơ địa mỗi người sẽ có thêm những vấn đề khác như đau đầu, buồn ngủ, nhạy cảm với các mùi vị, chán ăn,...

Mức độ ốm nghén ở mỗi lần mang thai sẽ khác nhau. Mẹ bầu có thế thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để cải thiện các triệu chứng trên:

  • Uống nước trà gừng 
  • Chia nhỏ bữa ăn
  • Hạn chế các thức ăn cay và nhiều dầu mỡ
  • Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý 

Ốm nghén là một hiện tượng sinh lý bình thường. Mẹ bầu khi có biểu hiện ốm nghén không nên quá lo lắng để ảnh hưởng tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu ốm nghén kèm theo những dấu hiệu bất thường như mất nước nặng, sụt cân nhiều  thì mẹ nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn Y khoa.

2. Chuột rút

Là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ trong thời gian mang thai, chuột rút bắt đầu gây khó chịu ở tháng thứ 3 thai kỳ và xuất hiện nhiều hơn khi thai nhi lớn dần. 

Chuột rút hay xảy ra ở bắp chân, đùi, bàn chân, tay, cơ bụng,...Có những triệu chứng chuột rút mẹ bầu nên đặc biệt lưu ý. Nếu xuất hiện các biểu hiện dưới đây cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chính xác nhất:

  • Trong một giờ có 6 cơn co thắt
  • Cơn đau không giảm dần theo thời gian
  • Chuột rút xuất hiện đồng thời với cơn choáng váng, chảy máu là dấu hiệu của thai ngoài tử cung
  • Co thắt đi kèm đau bụng dữ dội, buồn nôn hoặc sốt. Đây có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa, sỏi mật, túi mật

Để phòng ngừa và khắc phục tình trạng chuột rút, thai phụ nên:

  • Không đứng hoặc ngồi một tư thế quá lâu 
  • Tập các bài tập nhẹ nhàng, giãn cơ giúp lượng máu và quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra thuận lợi hơn.
  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày để hạn chế tình trạng mất nước
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ.

3. Táo bón

Táo bón là một tình trạng phổ biến chung. Theo thống kê có gần 40% thai phụ bị táo bón ở các giai đoạn khác nhau trong thai kỳ, đặc biệt là cuối thai kỳ.

Nguyên nhân đến từ việc thay đổi hormone khi mang thai khiến khối phân di chuyển chậm qua ruột. Đồng thời, cùng với việc  tử cung ngày càng lớn có thể gây chèn ép lên ruột cũng là yếu tố khiến mẹ bầu bị táo bón.

Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng hằng ngày:

  • Uống nhiều nước đồng thời tránh những đồ uống có chứa chất kích thích
  • Bổ sung chất xơ: ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
  • Thực hành thói quen đi đại tiện đúng giờ.

4. Thiếu máu thiếu sắt

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao của tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân chủ yếu khiến thai phụ dễ bị thiếu máu do  khi mang thai nhu cầu trao đổi chất của cơ thể tăng cao để đủ cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi

Khi bị thiếu máu, mẹ sẽ gặp những triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Da nhợt nhạt 
  • Hoa mắt chóng mặt
  • Khó thở khi gắng sức 

Tình trạng thiếu máu sẽ kèm theo những nguy hiểm cho cả mẹ và bé như: tăng nguy cơ sảy thai, tiền sản giật, con nhẹ cân, sinh thiếu tháng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của con.

Để kiểm soát tình trạng thiếu sắt, mẹ nên chủ động xây dựng chế độ ăn có những thực phẩm giàu chất sắt như: các loại thịt có màu đỏ, thịt gia cầm, cá, lòng đỏ trứng, các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm,...

Dùng thuốc bổ sung sắt có thể giúp mẹ đảm bảo nạp đủ sắt mỗi ngày. Tuy nhiên việc này cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Mẹ bầu tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc uống bổ sung sắt khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.

5. Tăng huyết áp thai kỳ

Là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho mẹ bầu trên toàn cầu, tuy nhiên tăng huyết áp thai kỳ không có dấu hiệu nhận biết đặc trưng mà sẽ biểu hiện tùy theo cơ địa mỗi người. Một số những dấu hiệu phổ biến khi bị tăng huyết áp như:

  • Sưng, phù tay chân
  • Tăng cân đột ngột
  • Đau đầu dữ dội
  • Rối loạn thị lực: nhìn mờ, mất thị lực thoáng qua,..

Những nguyên nhân thường gặp khiến thai phụ tăng huyết áp: ăn quá mặn, ít vận động, thừa cân trước khi mang thai, mắc đái tháo đường thai kỳ,....

Để hạn chế những biến chứng của tăng huyết áp, mẹ nên theo dõi huyết áp thường xuyên và có kế hoạch trước khi mang thai như 

  • Nên mang thai trước 35 tuổi
  • Nếu thừa cân thì nên giảm cân trước khi mang thai
  • Kiểm soát tốt chế độ dinh dưỡng, tránh mắc đái tháo đường thai kỳ. 

6. Đái tháo đường thai kỳ

Là một thể của bệnh đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 cho cả mẹ lẫn con và kèm theo nhiều tác động bất lợi khác.

Những dấu hiệu nhận biết khi mẹ bầu có thể mắc bệnh lý này:

  • Cảm thấy khát nước hơn, đặc biệt là vào ban đêm. 
  • Cảm thấy buồn tiểu thường xuyên và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn bình thường.
  • Thị lực không được rõ như trước
  • Vết thương, vết bầm tím lâu lành

Nguy cơ dẫn đến đái tháo đường khi mang thai có thể kể đến như: thừa cân béo phì, tiền sử gia đình có người từng mắc đái tháo đường, tiền sử sinh con nặng hơn 4kg, sản phụ cao tuổi,...

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu nên lưu ý giữ lượng đường huyết trong mức ổn định bằng việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao phù hợp. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ và theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên là một cách đơn giản để ngăn ngừa đái tháo đường thai kỳ.

7. Sức khỏe tinh thần

Tâm lý của phụ nữ trong giai đoạn mang thai là vấn đề rất cần được quan tâm bởi bác sĩ, gia đình, xã hội và đặc biệt là bản thân sản phụ. Đây là giai đoạn cơ thể người phụ nữ có nhiều xáo trộn về cả cơ thể và nội tiết, do đó sẽ khó kiểm soát cảm xúc hơn.

Cảm xúc từ người mẹ dù tích cực hay tiêu cực cũng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Khi mẹ cảm thấy vui vẻ và thoải mái, điều đó cho phép em bé của mẹ phát triển trong một môi trường lành mạnh và hạnh phúc.

Ngược lại, những tác động tâm lý như lo âu, chán nản, căng thẳng quá mức có thể làm tăng nguy cơ sinh non và có nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển thần kinh của thai nhi.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé phát triển bình thường, bản thân mẹ nên có một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống, rèn luyện và giải trí thích hợp. Hãy chia sẻ với bác sĩ các vấn đề mẹ đang gặp phải để các bác sĩ có những chẩn đoán và can thiệp kịp thời nếu cần.

(Hiệu đính nội dung: bác sĩ Teng Quang Tín)