Chia sẻ

MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ HÀNH TRÌNH ĂN DẶM CỦA TRẺ

By Victoria Healthcare 07 Tháng 10 2022

MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ HÀNH TRÌNH ĂN DẶM CỦA TRẺ

✅ Làm thế nào để cân bằng lượng thức ăn và lượng sữa dành cho bé? Khi bé bắt đầu ăn dặm, có nên giảm lượng sữa lại hay không?

Trong những tháng đầu đời sau khi sinh, sữa mẹ và sữa công thức là thực phẩm thiết yếu dành cho bé. Ít nhất là trong 4 tháng đầu tiên thì sữa mẹ hay sữa công thức cung cấp đủ các chất cho bé. Lúc này bé còn lượng sắt dự trữ của mẹ truyền qua khi em bé đang trong bào thai. Tuy nhiên sau 4 tháng trở đi, bé đã sử dụng gần hết lượng sắt, và những bé tiếp tục bú sữa mẹ hay sữa công thức thì không nhận đủ lượng sắt nữa. Lúc này nhu cầu về chất sắt từ 4 – 6 tháng tuổi trở lên đã tăng và bé cần thêm nguồn thực phẩm khác, có thể cho bé ăn dặm. 

Khi bé bắt đầu ăn rồi thì lượng sữa sẽ giảm dần. Vấn đề cần giải quyết ở đây là làm sao để cân bằng được lượng sữa và lượng ăn. Vấn đề này phải tùy thuộc vào bé ăn được bao nhiêu, nếu bé chưa ăn được nhiều và chưa làm quen được các kỹ năng ăn, chưa xử lý được các vấn đề về nhai, nuốt thì lúc đó sữa vẫn là nguồn thực phẩm chính cho bé. Còn những bé đạt được kỹ năng ăn tốt và nhanh, tập vài ba lần thì bé đã biết kỹ năng ăn thì khi đó lượng ăn sẽ tăng lên, lượng ăn như thế nào là tùy nhu cầu của mỗi bé. Như vậy khi bé ăn được thì mình nên giảm lượng sữa lại và nhu cầu của các bé cũng sẽ khác nhau.

✅ Bé khoảng 1 tuổi không chịu hợp tác khi ăn thì phải thay đổi như thế nào?

Bé 1 tuổi không hợp tác ăn có thể do một hoặc một vài lý do sau đây: 

  1. Thứ nhất là vì bé không đói nên chưa muốn ăn. Không đói ở đây là do bé uống quá nhiều sữa trong 1 ngày. Tiêu thụ khoảng 500ml sữa trở lên khiến bé no. Vì vậy, phụ huynh đừng thúc ép bé ăn mà hãy cứ để bé vui chơi, đến bữa tiếp theo bé sẽ ăn lại. Nếu bữa ăn tiếp theo, bé không ăn cũng không nên cho uống sữa, và không cho bé ăn vặt.
  2. Thứ hai là đồ ăn cho bé ăn chưa ngon, chưa hợp khẩu vị. Món ăn mà nhiều trẻ nhỏ ở Việt Nam không thích là bột và cháo. Nhiều ba mẹ ngày nào cũng cho bé ăn cháo trong khi bé không thích. Bé sẽ muốn ăn món mà bé thích ăn. Ví dụ bé thấy ba mẹ ăn cơm hay bánh mì bé sẽ đòi ăn, nhưng phụ huynh lại không cho ăn, cứ bắt bé ăn các món với bé là chưa ngon. 12 tháng tuổi bé có thể ăn nêm nếm như người lớn rồi nhưng hầu như lúc nào phụ huynh cũng nêm nhạt, khiến bé không có khẩu vị. Thử nghĩ người lớn còn không thể ăn nổi món ăn đó thì sao các bé ăn được. Vì vậy cần thay đổi cách lựa chọn món và nêm nếm món cho bé, để bé ăn ngon miệng hơn, không ăn cháo, không ăn bột mà nên ăn chung với người lớn.
  3. Thứ ba là do quan điểm của người lớn. Từ 1 tuổi cho đến 5 tuổi, nhu cầu ăn của bé không nhiều. Mỗi bữa bé chỉ ăn khoảng 1 - 3 muỗng cơm của người lớn. Phụ huynh lại tưởng bé phải ăn 2/3 chén cơm và chuẩn bị y vậy cho bé nên bé lại không muốn ăn nữa. Vì vậy, không phải bé không hợp tác ăn mà là do ba mẹ chưa hiểu nhu cầu ăn của bé, không biết giải quyết nhu cầu ăn của bé thế nào. Mỗi lần ăn cơm chỉ nên chuẩn bị khẩu phần ăn của bé khoảng 3 muỗng cơm và thức ăn thôi. Nếu bé ăn hết và lắc đầu không muốn ăn nữa thì coi như hoàn tất bữa ăn và dừng lại để bé nghỉ ngơi, vui chơi. Còn nếu bé đòi ăn thêm thì nên cho bé ăn thêm 1 muỗng nữa. 

✅ Bé ăn Baby - Led weaning đầy đủ các nhóm chất thì có cần uống vitamin liều cao theo lịch Nhà nước hay không?

Vitamin mà phụ huynh nhắc đến chắc có lẽ là vitamin A. Ba mẹ phải xem bé có cần thiết phải uống vitamin A hay không, vì nó có rất nhiều trong các loại thực phẩm như các loại rau củ có màu cam, đỏ, vàng. Ngày nay, gần như các bé rất hiếm khi bị thiếu vitamin A. Do đó, việc bé có cần uống vitamin liều cao theo lịch của Nhà nước hay không, thì câu trả lời là không. Tuy nhiên vitamin D là vitamin cần bổ sung vì nó có rất ít trong đồ ăn hàng ngày. Do đó, bé ăn đầy đủ Baby - Led weaning và ngay cả người lớn ăn uống đầy đủ thì vẫn có thể thiếu vitamin D. Ba mẹ nên bổ sung vitamin D cho bé chứ không phải bổ sung vitamin A.

Đối với việc bé chỉ có vài món ăn yêu thích mà không ăn đa dạng thì liệu có đủ chất cho bé hay không? Có cần phải bổ sung thêm dưỡng chất gì cho bé trong trường hợp này không?

Trước tiên ba mẹ cần biết, ăn đa dạng ở đây là cần ĐA DẠNG THEO NHÓM CHẤT chứ không phải ăn đa dạng theo thực phẩm. Theo nhóm chất như tinh bột, đạm, chất béo và các loại rau củ, chất xơ. Cơm, mì, bánh mì, nui cũng thuộc nhóm chất tinh bột. 
  • Các nhóm đạm thường sẽ kèm theo chất sắt như cá, thịt, trứng, rau xanh.
  • Có truyền thuyết người ta truyền miệng nhau là một tuần chỉ được ăn 2 quả trứng thì điều này hoàn toàn sai. Bé vẫn có thể ngày nào cũng ăn trứng đều được.
  • Nhóm chất béo thì không cần bổ sung thêm dầu vào thức ăn cho bé vì khi bé ăn trứng, thịt, tôm cũng đã có chất béo rồi hoặc các loại đậu, mè.
  • Thông thường các bé khó ăn các loại rau củ, rau xanh thì. Ba mẹ có thể tập cho bé ăn từ từ, nếu bé không ăn thì có thể bù lại bằng các loại trái cây để bổ sung chất xơ và vitamin.
Ý kiến của bác sĩ cho rằng bé bú đến 5 hay 6 tuổi đều được. Việc cho bé bú đến độ tuổi nào là sự thỏa thuận của mẹ và đứa bé. Thường ba mẹ vẫn để cho bé bú đến 4 hay 5 tuổi thì bé vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, nếu cho bé bú đêm đến 2 tuổi thì có nguy cơ bé bị sâu răng. Do đó từ 1 tuổi trở đi thì nên tập ngưng cho bé bú đêm. Nghĩa là sau bữa ăn cuối cùng trong ngày, đánh răng xong thì sẽ ngưng không cho bé ăn bất kỳ thứ gì nữa để tráng tình trạng sâu răng.

Nhiều bé bị dị ứng đạm sữa bò thì phải thay thế bằng các loại sữa hạt hoặc sữa đậu nành. Nếu bé là bé trai thì loại sữa đậu nành có ảnh hưởng đến bé sau này không?

Thực tế sữa đậu nành không ảnh hưởng gì tới bé trai cả. Trong sữa đậu nành có một chất là estrogen, nó giống estrogen trong nội tiết tố ở buồng trứng tiết ra, làm cho ngực to ra. Nếu uống nhiều thì nó sẽ biến thành estrogen, người uống sữa đậu nành nhiều sẽ làm cho ngực to lên giống như dậy thì, chứ không phải bé dậy thì. Điều này không thể làm cho bé trai trở thành con gái được, Bé trai hay bé gái được quyết định do nhiễm sắc thể, không phải do sữa đậu nành.

Bao nhiêu tháng tuổi thì nên cung cấp DHA cho bé và có thật sự cần cung cấp DHA hay không? DHA có liên quan đến việc bé chậm nói không?

Thứ nhất, ngay từ khi bé bú mẹ bé đã có DHA rồi. Nhưng phụ huynh đừng kỳ vọng có DHA thì sẽ giúp các bé thông minh. Sự thông minh sẽ phụ thuộc vào cách nuôi dạy và truyền tải thông tin cho bé.
Thứ hai, vấn đề bổ sung DHA là không cần thiết. Các bé chỉ cần ăn uống đa dạng bình thường, trong các loại mỡ của cá đã có DHA, nên không cần tốn tiền mua DHA bổ sung cho bé. Các loại thực phẩm chức năng thì không cần thiết, ngoại trừ cần bổ sung vitamin D.
DHA cũng không liên quan đến vấn đề chậm nói. Các bé ở độ tuổi khoảng 15 tháng thì chưa nói được nhiều. Còn khi bé muốn gì, bé sẽ dùng cử chỉ để diễn đạt cho phụ huynh hiểu. Đó chính là body language - ngôn ngữ cơ thể của bé.
Trong 2 năm đầu thông thường không nên cho bé xem TV hay tiếp xúc màn hình thiết bị điện tử nhiều. Có nhiều phụ huynh hay dùng điện thoại để dụ bé ăn, khiến bé không có cơ hội để giao tiếp ngôn ngữ thì khi đó bé đó sẽ nói chậm hơn. Nếu có điều kiện nên cho bé đi nhà trẻ để phát huy khả năng nói của bé.

 Bs. Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi & Trưởng bộ phận Y học chứng cứ, Hệ thống Phòng Khám Đa khoa VICTORIA HEALTHCARE.