Chia sẻ

VIÊM GAN B - YẾU TỐ KHÔNG NHỎ DẪN TỚI UNG THƯ GAN

By Victoria Healthcare 17 Tháng 10 2023

VIÊM GAN B - YẾU TỐ KHÔNG NHỎ DẪN TỚI UNG THƯ GAN

Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm do virus HBV (Hepatitis B virus ) gây ra, làm tổn thương và suy giảm chức năng gan.

Theo tổ chức WHO, thế giới hiện nay có khoảng 400 triệu người đang mắc viêm gan B. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao, chiếm khoảng 20% dân số.

Hàng năm, có gần 1 triệu ca tử vong do các bệnh lý liên quan đến nhiễm virus HBV như xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B được coi như là căn bệnh “sát thủ thầm lặng” bởi tính âm thầm tấn công gan và chỉ biểu hiện triệu chứng khi ở giai đoạn muộn.

Nhiều bệnh nhân không biết mình bị bệnh, đến khi nhập viện cấp cứu thì bệnh đã trở nên trầm trọng, thậm chí đã là ung thư.

Con đường lây nhiễm của viêm gan B

Virus viêm gan B có con đường lây nhiễm gần giống với HIV nhưng có khả năng lây lan cao gấp 50 - 100 lần so với virus HIV. 

Virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao là do chúng có thể tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường. Trong điều kiện bình thường, HBV có thể sống sót bên ngoài cơ thể người ít nhất 7 ngày và vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. 

Một yếu tố khác khiến HBV có khả năng lây nhiễm cao là do bản thân người bệnh không biết bản thân mắc bệnh, vẫn sinh hoạt, tiếp xúc với mọi người như bình thường.

Một số con đường lây nhiễm của virus viêm gan B là:

  1. Lây từ mẹ sang con

Khi mẹ bị viêm gan B thì tỷ lệ lây nhiễm cho con là rất lớn và nguy cơ sẽ tăng dần theo từng giai đoạn phát triển của thai. 

Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm là 10%, 3 tháng cuối thai kỳ tỷ lệ có thể lên đến 70%.

Nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời sau khi sinh, 90% em bé có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh từ mẹ. 

Và 50% trong số đó có thể bị viêm gan B mạn tính về sau phát triển thành xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

       2. Lây nhiễm qua đường tình dục

Bệnh lý có thể lây nhiễm khi xảy ra quan hệ tình dục không an toàn với người đã nhiễm viêm gan B. Một vết xước nhỏ trong lúc quan hệ cũng đủ để lây truyền virus HBV cho đối phương.

       3. Lây qua đường máu

Những hình thức phổ biến khiến viêm gan B dễ lây nhiễm qua đường máu:

  • Dùng chung các vật dụng cá nhân: bàn chải đánh răng, dao cạo râu,... với người nhiễm bệnh
  • Dùng chung kim tiêm, bơm tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy.
  • Sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ: phun xăm, xỏ khuyên,...tại các cơ sở có dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh.
  • Nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus
  • Tiếp xúc với vết thương hở hoặc các vật có dính máu của người đang nhiễm bệnh.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm gan B, nhưng với 3 con đường lây nhiễm trên sẽ có những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao như:

  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B.
  • Người tiêm, chích ma túy
  • Người có quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh
  • Bệnh nhân lọc máu, chạy thận nhân tạo
  • Các nhân viên y tế, nhân viên phòng xét nghiệm, nhân viên làm công tác cấp cứu,... thường xuyên phải tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của bệnh nhân viêm gan B.

Người mắc viêm gan B thường có những biểu hiện gì?

Cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng từ 6 tuần đến khoảng 6 tháng kể từ lúc bị nhiễm virus . Tuy nhiên do khá ít ỏi và không điển hình, những cảnh báo này thường dễ khiến người bệnh bỏ qua.

Các biểu hiện dần rõ rệt hơn khi bệnh đã tiến triển nặng. Một số những dấu hiệu thể hiện cơ thể đã nhiễm virus viêm gan B như:

  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sốt
  • Chán ăn, đầy hơi
  • Vàng da, vàng mắt
  • Nước tiểu đậm màu 
  • Hay có cảm giác ngứa ngáy trên da
  • Đau, khó chịu vùng gan, phía trên vùng bụng

Các biến chứng của viêm gan B

  1. Làm suy giảm chức năng gan

Khi các tế bào trong gan bị phá hủy, các chức năng như lọc máu, thải độc, chuyển hóa chất, tổng hợp chất, … của gan cũng bị suy giảm. 

       2. Gây xơ gan

Khi virus viêm gan B tồn tại một thời gian dài, khiến gan bị tổn thương nặng, các vết thương bị hoại tử hình thành sẹo lâu ngày sẽ dẫn đến xơ gan.

      3. Viêm gan B là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan

Ung thư gan là biến chứng nghiêm trọng nhất của viêm gan B. Đây là bệnh lý nguy hiểm, tiến triển nhanh và có nguy cơ tử vong cao.

Theo ghi nhận của bộ Y tế, virus viêm gan B làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan đến 100 lần. Có 80% số ca mắc ung thư gan trên thế giới là do virus HBV gây ra. Con số này tại Việt Nam cũng chiếm đến 70%. 

Đa số các trường hợp ung thư gan đều không có triệu chứng giai đoạn đầu và được phát hiện khi bệnh đã tiến triển nặng.

Vàng da, vàng mắt, sụt cân bất thường, đau bụng vùng gan, sốt triền miên,... đều là những dấu hiệu phổ biến nhất khi mắc ung thư gan. Người bệnh nếu phát hiện những triệu chứng này cần đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán chính xác nhất.

Có thể phòng ngừa viêm gan B bằng những cách nào?

  1. Tiêm vacxin ngừa viêm gan B: được xem là biện pháp hữu hiệu nhất phòng tránh căn bệnh này.
  • Đối với trẻ sơ sinh:

Các chuyên gia Y tế khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Đây là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con, nếu tiêm muộn hơn, hiệu quả có thể bị thuyên giảm. 

Việc tiêm vacxin sớm còn giúp trẻ ngăn được nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ các thành viên trong gia đình, từ người chăm sóc trẻ hay từ những đứa trẻ khác,...

  • Đối với người trưởng thành:

Vacxin ngừa viêm gan B chỉ có tác dụng với những người chưa từng mắc bệnh.

Hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của vacxin có thể lên tới 95% và giúp tạo kháng thể từ 10 - 20 năm.

Theo thời gian, lượng kháng thể sẽ giảm dần. Để đảm bảo lượng kháng thể luôn đủ cao để ngừa bệnh, mọi người nên có lịch tiêm nhắc sau 5 - 10 năm.

      2. Các biện pháp phòng ngừa khác

Ngoài tiêm vacxin, có thể phòng ngừa viêm gan B bằng những cách như:

  • Không dùng chung kim tiêm, các vật dụng cá nhân dính máu hoặc dịch cơ thể.
  • Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc khi xử lý các vết thương hở.
  • Quan hệ tình dục có sử dụng các biện pháp an toàn.
  • Lựa chọn các địa điểm phun xăm, thẩm mỹ, xỏ khuyên uy tín, đảm bảo các dụng cụ, thiết bị máy móc được vệ sinh đúng cách.

(Hiệu chỉnh nội dung: Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh)