Chia sẻ

KHÁM PHỤ KHOA ĐỊNH KỲ- ĐỂ BỆNH “PHỤ” KHÔNG TRỞ THÀNH NỖI LO CHÍNH

By Victoria Healthcare 25 Tháng 8 2023

KHÁM PHỤ KHOA ĐỊNH KỲ- ĐỂ BỆNH “PHỤ” KHÔNG TRỞ THÀNH NỖI LO CHÍNH

Khám phụ khoa được xem như một tấm khiên bảo vệ sức khỏe của chị em phụ nữ. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Y Tế, có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Con số này mỗi năm đang có dấu hiệu tăng lên 15% - 27%. 

Hiện nay không ít chị em phụ nữ vẫn còn tâm lý e ngại khi nhắc đến các bệnh lý nhạy cảm này. Thay vì chủ động đến thăm khám tại các cơ sở Y tế, phần đông chị em thường chọn cách tìm kiếm thông tin trên mạng và tự chữa tại nhà khi có những dấu hiệu bệnh phụ khoa.

Khám phụ khoa là khám những gì và khi nào cần đi khám phụ khoa?

Khám phụ khoa là quá trình kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cơ quan sinh dục và sinh sản của phái nữ bao gồm: âm hộ, âm đạo, tử cung, vòi trứng, buồng trứng và ngực. Qua đó có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và chẩn đoán được những căn bệnh viêm nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục, các bệnh lý về cơ quan sinh sản, tổn thương tiền ung thư,...

Bộ Y tế khuyến cáo: Chị em nên bắt đầu khám phụ khoa định kỳ (6 tháng/1 lần) khi bước vào độ tuổi sinh sản, ngay cả khi chưa quan hệ tình dục. Có 3 mốc thời gian cần đi khám phụ khoa phái đẹp nên lưu ý là:

  1. Trước khi kết hôn: kiểm tra tiền hôn nhân giúp loại bỏ những nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục hoặc các bệnh lý ảnh hưởng đến sinh sản.
  2. Khi có kế hoạch mang thai: khám phụ khoa khi có ý định mang thai giúp phát hiện và điều trị sớm những căn bệnh từ người mẹ, tránh lây cho thai nhi, đảm bảo được sức khỏe cho cả mẹ và bé trong giai đoạn thai kỳ .
  3. Khi gặp một trong những dấu hiệu cảnh báo dưới đây:
  • Rối loạn kinh nguyệt, lượng máu không đều, có màu sắc bất thường hoặc lẫn máu cục
  • Đau bụng dưới
  • Vùng kín ngứa, có mùi hôi bất thường
  • Âm đạo chảy máu dù không trong kỳ kinh

Thời điểm lý tưởng nhất để khám phụ khoa định kì

Trong thời gian hành kinh, chị em không nên đi khám bởi lúc này tử cung đang chứa máu và niêm mạc bị bong tróc, khiến bác sĩ khó quan sát và cũng không thể lấy mẫu xét nghiệm, việc thăm khám lúc này rất dễ mang vi khuẩn từ bên ngoài vào làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Hơn nữa, trong thời gian hành kinh, những sự mệt mỏi, đau bụng, uể oải cũng ảnh hưởng tới tâm trạng và khiến bệnh nhân khó hợp tác với bác sĩ.

Trong giai đoạn xung quanh ngày rụng trứng, dịch âm đạo sẽ dễ bị nhầm lẫn với những huyết trắng bất thường nếu có, đi khám trong khoảng thời gian này sẽ gây khó khăn khi lấy bệnh phẩm. Còn trước những ngày hành kinh, lớp nội mạc tử cung sẽ tăng sinh rất dày, cũng làm hạn chế quan sát khi siêu âm.

Theo các bác sĩ, thời điểm tốt nhất để khám phụ khoa là sau 3 - 5 ngày kể từ lúc sạch kinh.

Tầm quan trọng của Khám phụ khoa - tấm khiên bảo vệ sức khỏe cho chị em phụ nữ

Qua báo cáo thống kê từ các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương, mỗi năm có hơn 8.000.000 lượt khám phụ khoa và hơn 3.500.000 lượt điều trị bệnh phụ khoa. 

Trong đó có 89% bệnh nhân đã và đang mắc phải các chứng bệnh phụ khoa với cấp độ khác nhau nhưng có tới 60% ngại ngùng không đi khám phụ khoa định kỳ và  35% trong số đó là bệnh phụ khoa có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Chúng ta nên nhận thức rằng sự ngại ngùng, lo lắng có thể để lại hệ quả không tốt như: làm chậm trễ việc phát hiện và điều trị, gây ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, có thể gây vô sinh và tăng nguy cơ mắc những căn bệnh như ung thư cổ tử cung, bệnh xã hội lây qua đường tình dục,... kéo theo nhiều hệ lụy về tinh thần và kinh tế,...

Khám phụ khoa định kỳ là phương pháp hiệu quả nhất để theo dõi tình trạng sức khỏe ở phụ nữ. Xây dựng và duy trì thói quen khám định kỳ giúp chị em dễ dàng kiểm soát được sức khỏe của bản thân, sớm phát hiện những nguy cơ gây bệnh nhằm có hướng điều trị tốt nhất.

Ngoài ra khi đi thăm khám định kỳ, chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi những thói quen sinh hoạt, từ đó phòng ngừa bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân. 

Một vài lưu ý giúp buổi khám phụ khoa hiệu quả nhất

Dưới đây là những “lời khuyên bỏ túi” chị em nên lưu lại để có buổi khám phụ khoa suôn sẻ và hiệu quả nhất:

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng kín trước khi khám
  • Không quan hệ tình dục, không sử dụng các loại thuốc đặt âm đạo trước 3 ngày khi đi khám. Việc này sẽ khiến các tạp chất, vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào và thay đổi môi trường của vùng kín, có thể dẫn đến nhầm lẫn trong kết quả chẩn đoán
  • Không thụt rửa hay dùng các dung dịch vệ sinh trước 3 ngày đi khám bởi các tế bào gây bệnh sẽ bị rửa sạch, khiến bác sĩ dễ chẩn đoán sai bệnh
  • Trang phục thoải mái, rộng rãi
  • Không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích trước khi đi khám
  • Chuẩn bị sẵn những chi phí xét nghiệm có thể phát sinh khi có nghi ngờ chẩn đoán.

Với tâm lý chung bệnh phụ khoa là căn bệnh thầm kín, phụ nữ thường e ngại mỗi khi nhắc đến và chỉ đi khám khi dấu hiệu bệnh đã nghiêm trọng. Việc xây dựng được thói quen khám phụ khoa định kỳ như một sự đảm bảo về sức khỏe, về hạnh phúc gia đình và cả về thiên chức làm mẹ của chị em phụ nữ.