Chia sẻ

4 LẦM TƯỞNG VỀ UNG THƯ PHỔI - TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TẦM SOÁT SỚM

By Victoria Healthcare 23 Tháng 10 2023

4 LẦM TƯỞNG VỀ UNG THƯ PHỔI - TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC TẦM SOÁT SỚM

Ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và cũng nằm trong TOP 3 loại ung thư gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, năm 2020 có hơn 26.000 ca mắc ung thư phổi và hơn 23.000 ca tử vong. Cũng như các loại ung thư khác, ung thư phổi nếu được phát hiện càng sớm hiệu quả điều trị càng cao. 

Tuy nhiên, những biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh không rõ ràng cộng với việc vẫn còn tồn tại nhiều lầm tưởng xung quanh căn bệnh này khiến nhiều người khi phát hiện thì bệnh đã vào giai đoạn muộn.

Không hút thuốc lá, không ung thư phổi

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ số một gây ung thư phổi. Tại Hoa Kỳ, khoảng 80% đến 90% số ca tử vong do ung thư phổi bắt nguồn từ thuốc lá. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi hoặc tử vong cao gấp 15 đến 30 lần so với những người không hút thuốc.

Tuy nhiên bên cạnh thuốc lá thì dưới đây là những nguyên nhân khác có thể dẫn đến ung thư phổi:

  • Hút thuốc lá thụ động: 

Là hiện tượng ngửi phải khói thuốc do người khác hút hoặc từ việc đốt các sản phẩm thuốc lá. Trong thuốc lá có hơn 7000 chất độc hại cho cơ thể và có đến 70 chất có thể gây ung thư. 

Do vậy, người hít phải khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng và có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như những người hút thuốc thông thường.

  • Lịch sử gia đình có người từng mắc bệnh: 

Những người có người thân bị ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với người thường. 

Tuy nhiên nếu trong gia đình có người mắc bệnh do thường xuyên hút thuốc thì khó có thể phân biệt được nguy cơ đến từ tiền sử gia đình hay từ việc phải hút thuốc lá thụ động trong thời gian dài

  • Yếu tố từ môi trường nghề nghiệp: 

Các nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với các hóa chất sau đây làm tăng nguy cơ ung thư phổi như Amiăng, Asen, Crôm, Niken,..

Người phải tiếp xúc với những chất trên càng thường xuyên thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng tăng, nguy cơ thậm chí còn cao hơn ở những người tiếp xúc và hút thuốc lá.

  • Tiếp xúc với bức xạ: Xạ trị, xét nghiệm hình ảnh và radon là những nguồn phơi nhiễm phóng xạ.

Tất cả bệnh nhân ung thư phổi đều bị ho

Ho là triệu chứng phổ biến của các căn bệnh về phổi, bao gồm ung thư phổi nhưng không đúng với tất cả mọi người. Ho còn là biểu hiện của những căn bệnh thường gặp khác như viêm họng, cảm cúm,...

Đối với bệnh ung thư phổi, mỗi người sẽ gặp những triệu chứng khác nhau. Một vài người sẽ thấy rõ các dấu hiệu liên quan đến phổi. Trường hợp khác khi bệnh đã di căn sang các cơ quan xung quanh thì sẽ gặp dấu hiệu đặc trưng của bộ phận đó. Một số khác chỉ cảm thấy mệt mỏi chứ không có dấu hiệu rõ ràng nào.

Hầu hết những người bị ung thư phổi không có triệu chứng cho đến khi ung thư tiến triển. Các triệu chứng ung thư phổi có thể bao gồm:

  • Ho ngày càng nặng hơn và không biến mất.
  • Đau tức ngực.
  • Hụt hơi.
  • Khò khè.
  • Ho ra máu.
  • Lúc nào cũng cảm thấy rất mệt mỏi.
  • Mệt mỏi, suy nhược, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân.

Chẩn đoán bị ung thư phổi đồng nghĩa với án tử

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao thứ 2 ở Việt Nam nên đối với nhiều bệnh nhân việc nhận được chẩn đoán mắc ung thư phổi không khác gì một dấu chấm hết cho cuộc đời. 

Theo nghiên cứu, ung thư phổi nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời từ giai đoạn đầu tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên đến 90%. 

Do vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi là vô cùng quan trọng, trên cơ sở đó sẽ giúp cho việc điều trị đạt được kết quả tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra kế hoạch tầm soát Ung thư phổi sớm sẽ có những lợi ích như:

  • Hạn chế tổn thất sức khỏe và chi phí: Tầm soát sớm giúp hạn chế tổn thất sức khỏe và giảm chi phí chữa trị. Việc điều trị ở giai đoạn đầu thường nhẹ nhàng hơn và ít tốn kém hơn so với việc điều trị ung thư giai đoạn tiến triển.
  • Cải thiện chất lượng sống: Tầm soát sớm có thể cải thiện chất lượng sống của người bệnh bằng cách giúp họ tránh được các biến chứng và tập cách hình thành những thói quen tốt..
  • Sự yên tâm về mặt tinh thần: Đối với những người ở trong nhóm nguy cơ cao, việc thực hiện tầm soát có thể mang lại sự an tâm. Họ biết rằng sức khỏe của họ đang được theo dõi chặt chẽ và có cơ hội điều trị sớm nếu có bất kỳ vấn đề gì.

Chỉ người già mới mắc bệnh

Tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm càng tăng. Trên thực tế, ung thư phổi vẫn xảy ra ở những bệnh nhân rất trẻ.

Bên cạnh tuổi tác thì dưới đây là nhóm những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, nên có kế hoạch tầm soát sớm:

  • Nhóm đối tượng thường xuyên hút thuốc lá, cụ thể là trong độ tuổi 50 - 80 tuổi, có tiền sử hút thuốc 20 gói/năm, hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ hút thuốc chưa đến 15 năm.
  • Nhóm tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài với các hóa chất như Amiăng, Asen, Crôm, Niken,..
  • Gia đình có người thân từng mắc ung thư phổi
  • Người từng dùng xạ trị để điều trị ung thư vú

Một số phương pháp tầm soát ung thư phổi hiện đại và chuẩn xác đang được sử dụng hiện nay như:

  • Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT): 

Đây là phương pháp sàng lọc được khuyến nghị đối với bệnh ung thư phổi. Phương pháp này khá đơn giản. Bạn không cần bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào. Toàn bộ quá trình mất khoảng 10 phút và không gây đau đớn.

Việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp x-quang phổi thông thường.

Tuy nhiên, đôi khi LDCT có thể cho kết quả trông giống như ung thư nhưng thực tế không phải vậy. Các bác sĩ gọi tình trạng này là dương tính giả. Lúc này bệnh nhân cần thực hiện thêm những xét nghiệm chẩn đoán để xác định rõ hơn như:

  • Sinh thiết phổi dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính lồng ngực: đây là kỹ thuật lấy bệnh phẩm từ tổn thương phổi dưới hướng dẫn của máy chụp cắt lớp vi tính để xác định tổn thương đó có phải là mô ung thư hay không.
  • Nội soi khí phế quản: là kỹ thuật lấy bệnh phẩm bằng ống soi mềm qua đường mũi họng, thanh quản vào tới trong lòng các phế quản.
  • Chọc hút dịch màng phổi, màng tim: là phương pháp đưa kim qua khe liên sườn vào khoang màng phổi hút lấy dịch màng phổi hoặc đưa kim vào khoang màng tim để lấy dịch màng tim. Chất dịch này sẽ được mang đi kiểm tra để xác định bệnh.

Tầm soát ung thư phổi là một phần quan trọng của việc duy trì sức khỏe, làm tăng cơ hội phát hiện và ngăn chặn tiến triển của bệnh. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc tầm soát bệnh lý ung thư là cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh quái ác này.