Chia sẻ

LOÃNG XƯƠNG - BỆNH THẦM LẶNG NHƯNG NGUY HIỂM

By Victoria Healthcare 09 Tháng 8 2023

LOÃNG XƯƠNG - BỆNH THẦM LẶNG NHƯNG NGUY HIỂM

KHÔNG PHẢI HUYẾT ÁP HAY TIỂU ĐƯỜNG, ĐÂY MỚI CHÍNH LÀ CĂN BỆNH CÓ GẦN 50% NGƯỜI CAO TUỔI MẮC PHẢI

“Âm thầm”, “nặng dần”, “phức tạp” và “không triệu chứng” là những từ ngữ diễn tả chính xác nhất về căn bệnh này. Bạn có đoán được là bệnh lý gì không?

Theo nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) diễn ra vào tháng 12 năm 2022 đã chỉ ra càng cao tuổi thì nguy cơ bị loãng xương càng tăng. 

Loãng xương là tình trạng giảm mật độ và chất lượng xương, khiến xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy. Đây là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Nguyên nhân do quá trình lão hóa làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể, khiến việc điều hòa hấp thụ canxi vào xương bị suy giảm, góp phần làm giảm mật độ xương.

Ước tính hiện nay trên thế giới số ca mắc bệnh này lên tới 500 triệu người, còn ở Việt Nam con số này là 3,6 triệu người. Bài nghiên cứu báo cáo của bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng nhận định rằng bệnh loãng xương đang có xu hướng tăng nhanh tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Cụ thể đến năm 2030, số người mắc bệnh ở Việt Nam có thể lên đến 4,5 triệu người, trong đó chiếm 70 - 80% là nữ giới. 

 

Bệnh nhân chỉ biết mình bệnh khi gặp các biến chứng 

Theo Hội loãng xương TP.HCM, đây được xem là “căn bệnh âm thầm” vì người bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng từ sớm. Đặc biệt đối với bệnh loãng xương ở người cao tuổi, giai đoạn đầu bệnh không có triệu chứng đặc biệt, người bệnh thường chỉ phát hiện khi bệnh tiến triển nặng dần và trở nên phức tạp hơn. 

Một số những biểu hiện phổ biến của bệnh lý loãng xương như:

  • Đau nhức cột sống, khớp gối, thắt lưng,..
  • Cột sống vẹo, lưng gù
  • Khi va chạm hoặc ngã nhẹ dễ bị gãy xương

 

Biến chứng của bệnh loãng xương ở người cao tuổi là điều không được xem nhẹ

Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng đây là căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, thì các biến chứng của loãng xương có thể gây ra những tác động không tốt với sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Các cơn đau dai dẳng, kéo dài có thể khiến cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, ảnh hưởng đến tinh thần và các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Gãy xương được xem là biến chứng nghiêm trọng hàng đầu của loãng xương. Phần lớn tình trạng gãy xương xảy ra ở cột sống, tay, chân, hông, nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi. Hậu quả của việc gãy xương có thể xảy ra là hạn chế khả năng di chuyển, gây tàn tật thậm chí là tử vong. 

Những ca gãy xương nặng cần sự điều dưỡng dài ngày không những khiến bệnh nhân bị phụ thuộc vào người hỗ trợ trong những sinh hoạt tối thiểu mà còn trở thành gánh nặng kinh tế cho bản thân và gia đình.

 

Phòng ngừa bệnh loãng xương, chăm sóc xương khớp là một quá trình cần được thực hiện bền bỉ

Để phòng ngừa bệnh loãng xương, PGS Lê Anh Thư - chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM cho rằng đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa một lối sống lành mạnh kết hợp tập luyện hợp lý, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nói không với các chất kích thích và quan trọng là một tinh thần bền bỉ để duy trì lâu dài.

Hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa. Không chỉ người cao tuổi mà kể cả những bạn trẻ, đặc biệt là người làm việc trong môi trường văn phòng với thói quen ít vận động, ăn uống không đủ dinh dưỡng, thiếu canxi, thường xuyên sử dụng chất kích thích như cà phê, nước tăng lực cũng được dự báo có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao.

Vì vậy, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để quan sát, theo dõi các chỉ số của cơ thể, đặc biệt là nên chủ động kiểm tra mật độ xương để đánh giá tình trạng xương, giúp sớm phát hiện nguy cơ mắc bệnh. 

(Nguồn: tổng hợp)