Chia sẻ

HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO TRẺ EM HẬU COVID-19

By Victoria Healthcare 22 Tháng 11 2021

HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO TRẺ EM HẬU COVID-19
Những nghiên cứu gần đây trên trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm bị cách ly tại nhà nhiều ngày, bị nhiễm bệnh hoặc có người thân nhiễm bệnh, kết quả cho thấy có đến 20% trẻ em được khảo sát có các triệu chứng lo âu, triệu chứng trầm cảm, và gần 2/3 số trẻ lo lắng về việc bị nhiễm bệnh. Tình trạng trên còn tệ hơn nếu trẻ có sự mất mát người thân trong gia đình. Nếu tình trạng lo âu, trầm cảm thậm chí sang chấn tâm lý kéo dài do những hậu quả của dịch covid, sẽ làm ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của trẻ, thậm chí sẽ có hệ lụy đáng tiếc như tự sát ở trẻ em. Vì thế, việc hỗ trợ tâm lý kịp thời, hiệu quả cho trẻ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ.
CÁC HOẠT ĐỘNG CÓ THỂ HỖ TRỢ TÂM LÝ CHO TRẺ
1. Giúp trẻ tìm ra những cách tích cực để thể hiện cảm xúc: như sợ hãi và buồn bã. Mỗi đứa trẻ đều có cách thể hiện cảm xúc riêng, đôi khi tham gia vào một hoạt động sáng tạo, chẳng hạn như chơi hoặc vẽ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ được thể hiện cảm xúc của mình. Trẻ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm nếu có thể bày tỏ và truyền đạt cảm xúc của mình trong một môi trường an toàn và hỗ trợ.
2. Giữ trẻ gần gũi với cha mẹ và gia đình nếu người nhà an toàn với Covid, hạn chế chia cắt trẻ với người nhà, cũng như việc học tập (online) của con càng nhiều càng tốt. Nếu trẻ cần tách khỏi người chăm sóc chính của mình, hãy đảm bảo rằng dịch vụ chăm sóc thay thế thích hợp, và nhân viên xã hội hoặc nhân viên tương đương sẽ thường xuyên theo dõi trẻ. Hơn nữa, đảm bảo rằng trong thời gian xa cách, để trẻ liên lạc thường xuyên với cha mẹ và người chăm sóc, chẳng hạn như cuộc gọi điện thoại hoặc video theo lịch hai lần mỗi ngày hoặc các giao tiếp khác phù hợp với lứa tuổi (ví dụ: mạng xã hội).
3. Duy trì những thói quen trong cuộc sống hàng ngày càng nhiều càng tốt, hoặc tạo ra những thói quen mới, đặc biệt khi trẻ phải ở nhà nhiều ngày. Cung cấp các hoạt động hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi cho trẻ em, bao gồm cả các hoạt động cho việc học của trẻ. Nếu có thể, hãy khuyến khích trẻ tiếp tục chơi và giao lưu với những người khác qua các phương tiện mạng xã hội hoặc trực tiếp nếu đủ an toàn và cần tuân thủ quy định 5K về phòng dịch.
4. Trong thời gian căng thẳng và khủng hoảng, con cái thường tìm kiếm sự gắn bó và đòi hỏi nhiều hơn ở cha mẹ. Hãy thảo luận về COVID-19 với con bạn một cách trung thực và phù hợp với lứa tuổi. Nếu con bạn có những lo lắng, việc giải quyết những lo lắng cùng con có thể làm trẻ bớt lo lắng. Trẻ em sẽ quan sát các hành vi và cảm xúc của người lớn để biết các dấu hiệu về cách quản lý cảm xúc của chính mình trong những thời điểm khó khăn, vì thế việc cha mẹ giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan cũng rất quan trọng để có thể trấn an và giúp cùng nhau vượt qua.
5. Gặp chuyên gia tâm lý ngay khi có thể để trẻ được đánh giá toàn diện về tâm lý. Trẻ sẽ được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả về tâm lý nếu con có những vấn đề lo âu, trầm cảm, hoặc sang chấn tâm lý. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được giải tỏa những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực khi phải chịu đựng những hệ quả từ đại dịch Covid.
Nguồn: WHO,
--
Tìm hiểu các gói chăm sóc sức khoẻ và dịch vụ hỗ trợ tâm lý Trẻ Em tại Victoria Healthcare: